Những dự án trang trại điện mặt trời hàng đầu thế giới
Nhiều nước trên thế giới đang phát triển các dự án điện mặt trời quy mô lớn nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng cũng như giảm khí thải.
Australia hôm 22/8 thông qua dự án trang trại điện mặt trời nhằm cung cấp cho hàng triệu hộ gia đình trong nước và xuất khẩu sang Singapore. Dự án SunCable dự kiến sản xuất 6 gigawatts (GW) và bắt đầu cung cấp điện vào năm 2030. Ngoài trang trại này, nhiều dự án năng lượng mặt trời lớn khác đang được xây dựng hoặc đã đi vào vận hành trên khắp thế giới, theo AFP.
Dự án điện mặt trời Midong, Trung Quốc
Phần lớn những trang trại điện mặt trời lớn nhất đều nằm ở Trung Quốc, nước đang tăng công suất năng lượng tái tạo ở tốc độ vượt xa các nước khác. Hồi tháng 6/2024, dự án điện mặt trời Midong ở vùng Tân Cương đi vào hoạt động với công suất 3,5 GW. Dự án này được mô tả là lớn nhất ở Trung Quốc, vượt qua công suất của hai dự án điện mặt trời lớn nhất trước đây ở Ninh Hạ và Thanh Hải.
Nhưng nhiều khả năng dự án này sẽ sớm bị thay thế với vài siêu dự án khác đã bắt đầu trên thế giới, bao gồm trang trại điện mặt trời Tengger ở Nội Mông. Dự án đang trong quá trình xây dựng và dự kiến đạt công suất 8 GW, theo kết quả theo dõi từ tổ chức Global Energy Monitor (GEM). Trung Quốc xây dựng cơ sở điện gió và điện mặt trời với công suất gần gấp đôi mọi nước khác cộng lại. Nước này có công suất đang xây dựng là 339 GW, trong đó có 180 GW điện mặt trời, theo GEM.
Công viên mặt trời Khavda, Ấn Độ
Công viên điện mặt trời Khavda là dự án năng lượng tái tạo khổng lồ đang xây dựng ở vùng hoang vu thuộc bang Gujarat của Ấn Độ, gần biên giới Pakistan. Kết hợp điện mặt trời và điện gió, dự án sẽ có tổng công suất 30 GW khi đi vào hoạt động đầy đủ năm 2027. Tuy nhiên, cơ sở đã bắt đầu sản xuất điện, với 551 megawatt công suất điện mặt trời đầu năm nay, theo Adani Green Energy, một trong những công ty phát triển dự án quy mô này.
Công viên sẽ trở thành cơ sở lắp đặt năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới khi hoàn thiện, có thể cung cấp điện cho 16,1 triệu hộ gia đình một năm. Hiện nay phụ thuộc nặng nề vào than đá, Ấn Độ hướng tới lắp đặt 500 GW năng lượng tái tạo năm 2030 và không thải khí vào năm 2070.
Al Dhafra, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất
Các tiểu vương quốc Arab thống nhất giới (UAF) thiệu nhà máy điện mặt trời Al Dhafra 2 GW năm ngoái, vài tuần trước khi nước này tổ chức thảo luận về khí hậu cho Liên Hợp Quốc. Nằm ở phía nam thủ đô Abu Dhabi, nhà máy trải rộng 21 km2 trên sa mạc, khu vực lớn bằng 1/5 Paris.
Dự án được mô tả là nhà máy điện mặt trời tại chỗ lớn nhất thế giới khi khánh thành. Nó có thể sản xuất đủ điện cho 160.000 hộ gia đình. UAE hướng tới tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo trong 7 năm tới nhằm đạt mục tiêu không thải khí vào năm 2050.
Công viên điện mặt trời Benban, Ai Cập
Công viên điện mặt trời Benban của Ai Cập xây trên sa mạc phía tây cách thành phố Aswan 40 km, nối với lưới điện quốc gia vào năm 2019. Đây là dự án điện mặt trời lớn nhất châu Phi và thuộc hàng quy mô nhất thế giới, với công suất khoảng 1,5 GW dù con số đó có thể tăng khi mở rộng theo kế hoạch. Có thể nhìn thấy từ không gian, dự án 4 tỷ USD do Ngân hàng Thế giới tài trợ trải rộng 37 km2 và sản xuất đủ điện để cung cấp cho 420.000 hộ gia đình.
Dự án Chill Sun, Mỹ
Nằm trong số những trang trại điện mặt trời lớn nhất được lên kế hoạch ở Mỹ là dự án Chill Sun. Cơ sở 2,25 GW này được đề xuất xây dựng ở bang Nevada. Mỹ đang nhanh chóng bổ sung công suất năng lượng tái tạo, chỉ xếp sau Trung Quốc. Cả nước có 40 GW điện mặt trời và điện gió đang xây dựng so với 339 GW của Trung Quốc và sản xuất 16% điện từ hai nguồn tái tạo.
An Khang (Theo AFP
Số lần xem: 143